Trung hậu kỳ Cử (nước)

Từ năm 576 TCN đến năm 542 TCN là trung hậu kỳ trong lịch sử nước Cử. Ban đầu, Tấn Điệu công lãnh đạo nước Tấn, lại xưng bá. Sau đó, nước Tống kiến nghị nước Tấn và nước Sở kết Nhị binh chi minh (弭兵之盟), cục diện tranh bá trở nên hòa hoãn.

Thế lực nước Tấn lại trở nên lớn mạnh, trong suốt ba thập niên đã cử hành 14 hội minh lớn, Cử đều tham gia. Do nhiều lần tham gia hội minh, Cử dần dần tự xem mình là nước lớn, quân chủ nước Cử do vậy bắt đầu dùng quân sự với nước khác. Đầu tiên, Cử liên hiệp với nước Chu để xâm lược nước Tằng. Nước Tằng nằm ở tây nam nước Cử, tương đối gần nước Lỗ, vì thế đã cầu viện Lỗ. Tuy nhiên, quân Lỗ đã bị đánh bại, nước Tằng cuối cùng bị nước Cử diệt. Quân chủ nước Lỗ nhận thấy nước mình đang phải chịu uy hiếp, vì thế đã tăng cường phòng hộ Phí thành ở biên cương phía đông. Nước Cử đã ba lần tấn công nước Lỗ vào các năm 565 TCN, 563 TCN, 561 TCN. Đường thời, Tấn và Sở tranh bá thiên hạ, Tề và Lỗ tranh tiểu bá Trung Nguyên, Cử đã tận dụng được cơ hội này.

Sau khi dần dần lớn mạnh, Cử trở nên liều lĩnh trong việc xâm lược các nước lân cận. Các sử thư bình rằng "Xuân Thu vô nghĩa chiến", Cử cũng không phải ngoại lệ. Năm 556 TCN, nhân Tề Linh công lấn chiếm biên giới phía bắc nước Lỗ. Bá chủ chư hầu là Tấn Bình công bèn tập hợp quân Cử cùng các nước Lỗ, Tống, Trịnh, Tào, Vệ, Chu, Đằng, Tiết (薛), Kỷ, Tiểu Chu (小邾) cùng đánh Tề, trong đó Cử tập kích Tề từ đông nam. Lần này, quân Tề quá sợ nên không dám xuất chiến, quân Tấn đốt phá ngoại thành Lâm Tri, quân 12 nước chư hầu sau đó tiến đến vùng biên giới phía nam của Tề. Quân Tề giữ vững thành trì, vì thế không phải chịu thảm bại. Tuy nhiên, sau đó nước Tề cực kỳ bất mãn với Cử, bắt đầu có lòng muốn báo thù.

Thời gian Lê Bỉ công cai trị nước Cử bị Tả truyện gọi là "ngược", và nói thêm là "người dân khổ sở", chỉ trích ông không quan tâm đến quốc lực, an nguy của bách tính, thường xuyên tiến hành chiến tranh với nước Tề và nước Lỗ, người dân không chịu nổi hoàn cảnh này. Trong chiến tranh với hai nước Tề và Lỗ, Lê Bỉ công lợi dụng viện trợ của Tấn, dĩ công vi thủ, thực tế cho thấy có thể xem là một sách lược hiệu quả. Bởi vậy, giai đoạn này của thời Xuân Thu là giai đoạn mà Cử hoạt động mạnh nhất. Sau khi Lê Bỉ công mất, nước Cử dần dần tiến đến bờ vực suy vong.